logo Học viện hậu cần ngành Bảo hiểm thuộc Bigfamily

Cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ, chương I_ 5: Những Quy định về Hợp đồng Bảo hiểm

Viết đánh giá
Insurtech:
Liên hệ

BigFamily xin được trích dẫn cuốn cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ theo từng phần để giúp Anh chị tư vấn viên bảo hiểm dễ dàng chia nhỏ thời gian nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của mình.

Anh chị hãy cố gắng lên nhé, khi năng lực của Anh chị nâng tầm không chỉ Anh chị ngày càng được khách hàng tin yêu mà còn đóng góp vào việc đưa nghề tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam về đúng vị trí quan trọng trong lòng khách hàng.

Dự án Trung tâm đào tạo Bảo hiểm Việt Nam (TTĐTBHVN) của Bộ Tài chính có một phần nâng cao năng lực hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) trong đó có tuyên truyền bảo hiểm tới công chúng. HHBHVN chọn hình thức tuyên truyền là xây dựng 02 cuốn Cẩm nang bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ giành cho khách hàng và đã được Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án chấp thuận.

Cuốn Cẩm nang bảo hiểm nhân thọ dành cho khách hàng do Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký HHBHVN và Tiến sỹ Phí Trọng Thảo – Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt làm đồng chủ biên. Tập thể tác giả bao gồm các chuyên gia bảo hiểm của HHBHVN và bộ môn bảo hiểm Học viện Tài chính biên soạn.

Cẩm nang bao gồm các câu hỏi và câu trả lời xuyên suốt từ Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm, giới thiệu về bảo hiểm nhân thọ, giới thiệu một số loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, giới thiệu thị trường bảo hiểm Việt Nam và các DNBH nhân thọ.

Sau khi biên soạn xong, dự thảo Cẩm nang được gửi đi lấy ý kiến góp ý các DNBH, tổ chức Hội nghị tư vấn xin ý kiến góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, tập thể tác giả đã chỉnh lý bổ sung cho Dự thảo Cẩm nang này.

Ngày 06/8/2007 Dự án TTĐTBHVN tổ chức nghiệm thu cuốn Cẩm nang và kết quả đánh giá Cẩm nang đạt loại xuất sắc.

Cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ đáp ứng được phần nào nhu cầu của khách hàng đã đang hoặc sẽ mua bảo hiểm trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, lựa chọn DNBH, giải quyết những thắc mắc, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Cẩm nang còn là tài liệu hữu ích cho các cán bộ bảo hiểm tại các chi nhánh, công ty thành viên trong quá trình công tác và nâng cao trình độ kiến thức về chuyên môn của mình.

----------------------

V. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Câu hỏi 36. Hợp đồng bảo hiểm là gì? Có bao nhiêu loại hợp đồng bảo hiểm?

Trả lời: Hợp đồng bảo hiểm là căn cứ quan trọng quy định quyền và nghĩa vụ của DNBH và người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận của 02 bên. Điều 12, khoản 1,2 Luật KDBH quy định: “1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
a) Hợp đồng bảo hiểm con người;
b) Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
c) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.”
Mỗi loại hợp đồng trên có đối tượng bảo hiểm và kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau. Việc chia ra làm 3 loại hợp đồng bảo hiểm nói trên nhằm có biện pháp quản lý phù hợp hơn.

Câu hỏi 37. Ngoài Luật KDBH, hợp đồng bảo hiểm còn bị chi phối bởi nguồn luật nào để khách hàng có thể tham chiếu khi xảy ra tranh chấp cần đưa ra xét xử?

Trả lời: Tất cả các hợp đồng bảo hiểm phải chứa đựng đầy đủ các nội dung cơ bản tối thiểu được quy định tại Điều 12 khoản 3,4 Luật KDBH quy định: “4. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, Nhà nước vẫn bảo vệ nội dung cơ bản mà 2 bên đã giao kết trong hợp đồng nếu giao kết phù hợp với luật pháp hiện hành. Nếu trong hợp đồng những nội dung nào không được đề cập đến thì áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng chưa đề cập đến thì áp dụng theo Bộ Luật Dân sự.

Câu hỏi 38. Những nội dung cơ bản nào phải được chứa đựng trong hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo được cơ bản quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng?

Trả lời: Tất cả các hợp đồng bảo hiểm phải chứa đựng đầy đủ các nội dung cơ bản tối thiểu được Điều 13 Luật KDBH quy định như sau:

“1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
b) Đối tượng bảo hiểm;
c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
d) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
đ) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
e) Thời hạn bảo hiểm;
g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; 
h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
i) Các quy định giải quyết tranh chấp;
k) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

2. Ngoài những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.”Việc quy định hợp đồng bảo hiểm tối thiểu phải chứa đựng 10 nội dung nói trên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng, làm cơ sở thi hành quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.

Câu hỏi 39. Hình thức của hợp đồng bảo hiểm và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: Hình thức Hợp đồng bảo hiểm phải thể hiện bằng văn bản do trong những đặc điểm của bảo hiểm là một cam kết dân sự trong đó DNBH đưa ra cam kết bồi thường theo những điều kiện và cách thức nhất định cho những rủi ro tổn thất được bảo hiểm. Điều 14 Luật KDBH quy định: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.” Thường thì HĐBH là mẫu soạn sẵn của DNBH để điền những nội dung và được người tham gia bảo hiểm chấp nhận ghi vào giấy yêu cầu bảo hiểm. Theo Bộ Luật Dân sự, trong hợp đồng soạn sẵn nếu có điều kiện từ ngữ nào không được đề cập đến hoặc có cách hiểu không rõ ràng mà không quy định rõ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm thì được giải thích sao cho có lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là vấn đề quan trọng của hợp đồng bảo hiểm, nó ràng buộc trách nhiệm phải bồi thường của DNBH nếu rủi ro tổn thất được bảo hiểm xảy ra, đồng thời ràng buộc trách nhiệm phải đóng đủ phí của người tham gia bảo hiểm tính từ thời điểm đó. 

Điều 15 Luật sửa đổi Luật KDBH: Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;
2. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.”

Việc vừa chấp nhận bảo hiểm xong đã bán hợp đồng bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Vì vậy, cần phải quy định rõ hợp đồng bảo hiểm nhất thiết phải lập thành văn bản và quy định rõ thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm để gắn chặt nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi khách hàng ngay từ thời điểm phát sinh trên.

Câu hỏi 40. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định như thế nào để đảm bảo được quyền và lợi ích khách hàng?

Trả lời: Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thường là những loại trừ về những rủi ro mang tính thảm hoạ lớn, những rủi ro chỉ được bảo hiểm trong điều kiện đặc biệt, những sư kiện sự cố mang tính chất cố ý gây thiệt hại vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết của người tham gia bảo hiểm, người đưpcj bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm còn là điều khoản thu hẹp phạm vi bảo hiểm hay nói một cách khác là giảm bớt trách nhiệm bồi thường của DNBH nếu xảy ra những quy định được loại trừ này. Ngay cả trường hợp bảo hiểm mọi rủi ro thì vẫn có những điều khoản loại trừ, cũng có nghĩa là không phải cứ tham gia bảo hiểm mọi rủi ro thì tổn thất nào cũng được bồi thường. Những tổn thất thuộc một trong những nguyên nhân loại trừ gây nên sẽ không được bồi thường. Điều 16 Luật KDBH:

1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm. 

2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;
b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.” 

Vì vậy, khi bán bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích rõ điều kiện loại trừ bảo hiểm, người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích rõ điều kiện loại trừ và cần đọc hiểu kỹ điều khoản loại trừ thu hẹp phạm vi bảo hiểm.

Câu hỏi 41. Quyền của DNBH khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: Quyền của DNBH được quy định cụ thể trong HĐBH. Nếu HĐBH không quy định cụ thể và đầy đủ thì quyền của DNBH được thực hiện theo Luật KDBH. 

Điều 17 khoản 1 Luật KDBH quy định:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:
a) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định: - Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: (Khoản 2 điều 19)
+ Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;
+ Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định:
- Thông báo trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm (Điểm c khoản 2 điều 8)
- Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.,(Khoản 2 điều 20)
- Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.,(Khoản 2 điều 35)
- Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.(Khoản 3 điều 50)

d) Từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
đ) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 
e) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”Những quyền trên của doanh nghiệp bảo hiểm cũng tương ứng với nghĩa vụ của khách hàng tham gia bảo hiểm được quy định sau này (tại câu hỏi 44).

Câu hỏi 42. Nghĩa vụ của DNBH khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm được quy định như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng?

Trả lời: Nghĩa vụ của DNBH được quy định cụ thể trong HĐBH. Nếu HĐBH không quy định cụ thể và đầy đủ, nghĩa vụ của DNBH được thực hiện theo Luật KDBH. 
Điều 17 khoản 2 Luật KDBH quy định: “a) Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;
b) Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
c) Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
d) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường;
đ) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Những nghĩa vụ trên của doanh nghiệp bảo hiểm cũng tương ứng với quyền của khách hàng mua bảo hiểm sẽ được trình bày sau này (tại câu hỏi 43).

Câu hỏi 43. Khách hàng mua bảo hiểm có quyền lợi gì?

Trả lời: Người mua bảo hiểm có các quyền quy định trong HĐBH. Nếu HĐBH không quy định thì xét xử theo Luật KDBH. Điều 18 khoản 1, Luật KDBH quy định một số quyền của người mua bảo hiểm như sau:

“a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm;
b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm;
c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20 của Luật này;
d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
đ) Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Khoản 3 điều 19: Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật.

Khoản 1 điều 20: Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Câu hỏi 44. Khách hàng mua bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

Trả lời: Người mua bảo hiểm có các nghĩa vụ quy định trong HĐBH, nếu HĐBH không quy định thì xét xử theo Luật KDBH. Điều 18 khoản 2, Luật KDBH quy định các nghĩa vụ cơ bản của người mua bảo hiểm như sau:

“a) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm; 
c) Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm; 
d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; 
đ) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Câu hỏi 45. Trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ của DNBH với khách hàng tham gia bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: Đây là trách nhiệm quan trọng của DNBH, thể hiện tính chính xác trung thực đầy đủ lời cam kết của mình. Điều 19 Khoản 1 và Khoản 3 Luật KDBH quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; DNBH chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó.”

“..Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật.”

Khi giao kết bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra lời cam kết về điều kiện và phương thức bồi thường nên mọi thông tin đưa ra để cam kết phải là trung thực, rõ ràng. Đó là cơ sở để khách hàng so sánh, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, DNBH phù hợp và quyết định có chấp nhận mua bảo hiểm hay không.

Câu hỏi 46. Trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ của khách hàng tham gia bảo hiểm với DNBH đƣợc quy định như thế nào?

Trả lời: Người mua bảo hiểm phải cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ để DNBH đánh giá rủi ro, chấp nhận rủi ro, chấp nhận bảo hiểm, tính phí bảo hiểm cho phù hợp với những thông tin nhận được. Điều 19 Khoản 1 và Khoản 2 Luật KDHB quy định: 
“Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm….”

“…Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.”

“…2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;
b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định:

- Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”(Điểm c khoản 2 điều 18)

Để giao kết bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần dựa trên cơ sở thông tin cần thiết yêu cầu khách hàng cung cấp khi đó đánh giá được rủi ro, xác định phí bảo hiểm. Cung cấp thông tin sai sẽ mang lại hậu quả là tính phí bảo hiểm không đúng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm hoặc rủi ro xảy ra không được giải quyết bồi thường vì việc khách hàng không kê khai được coi là gian dối không trung thực khi giao kết hợp đồng.

Câu hỏi 47. Khi thay đổi rủi ro được bảo hiểm, mức độ rủi ro tăng hay giảm sẽ làm tăng hay giảm phí bảo hiểm. Trường hợp này quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: Thay đổi mức độ rủi ro là thay đổi khả năng xảy ra tổn thất, đồng nghĩa với thay đổi phí bảo hiểm, thay đổi quyền và lợi ích của DNBH và người tham gia bảo hiểm. Điều 20 Luật KDBH quy định:

“1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm. 

2. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.”

Để bảo vệ quyền lợi bảo hiểm của mình, khách hàng cần thông báo ngay với doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đã tham gia bảo hiểm để có hướng xử lý kịp thời.

Câu hỏi 48. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm không được quy định rõ ràng thì làm thế nào để bảo vệ quyền lợi khách hàng tham gia bảo hiểm?

Trả lời: Điều khoản không rõ ràng là những điều khoản có thể được giải thích hoặc được hiểu bằng nhiều nghĩa khác nhau. Điều 21 Luật KDBH quy định:

“Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.”

Vì HĐBH là hợp đồng mẫu (in sẵn) nên Bộ Luật Dân sự cũng quy định “Nếu trong hợp đồng này có những điều khoản, từ ngữ không rõ ràng thì sẽ được giải thích theo cách có lợi cho người mua bảo hiểm”

Đây là biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng và làm cho doanh nghiệp bảo hiểm phải thận trọng hơn trong soạn thảo hợp đồng bảo hiểm, các mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm sao cho rõ ràng, mạch lạc, chính xác.

Câu hỏi 49. Trong trường hợp nào thì Luật quy định là hợp đồng bảo hiểm vô hiệu?

Trả lời: HĐBH đương nhiên sẽ bị vô hiệu khi được 02 bên giao kết trong các tình huống, sự kiện mang tính lừa dối, trục lợi bảo hiểm. Điều 22 Luật KDBH quy định rõ:

“1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;
c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Câu hỏi 50. Hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt khi nào?

Trả lời: Trong thời gian thực hiện HĐBH, HĐBH đương nhiên bị chấm dứt khi xảy ra những sự kiện được Luật KDBH quy định. Điều 23 Luật KDBH quy định: “Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm; 
2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”

Câu hỏi 51. Hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt, hậu quả pháp lý, quyền và lợi ích của khách hàng được quy định nhƣ thế nào?

Trả lời: Tùy theo mức độ vi phạm của các bên mà hậu quả pháp lý khi chấm dứt HĐBH được quy định khác nhau. Điều 24 Luật KDBH quy định:

“1. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này(câu hỏi 49), doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. 

2. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

3. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

4. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Câu hỏi 52. Trong khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm, khách hàng mua bảo hiểm có quyền sửa đổi hợp đồng hay không?

Trả lời: Việc sửa đổi bổ sung HĐBH trong quá trình thực hiện HĐBH là quyền của các bên nhưng những vấn đề được bổ sung phải được một bên đưa ra và bên kia chấp thuận. Điều 25 Luật KDBH chỉ rõ:

“1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.”

Câu hỏi 53. Vấn đề thời hạn để khách hàng yêu cầu DNBH trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường đƣợc quy định nhƣ thế nào?

Trả lời: Thời hạn yêu cầu trả tiền hoặc bồi thường được quy định cụ thể trong HĐBH. Nếu HĐBH không quy định rõ ràng thì thực hiện theo Luật KDBH. Điều 28 Luật KDBH quy định:

“1. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là một năm, kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chứng minh được rằng bên mua bảo hiểm không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày bên mua bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.

3. Trong trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.”

Trong thời gian nói trên, người được bảo hiểm phải làm đủ thủ tục để yêu cầu DNBH trả tiền hoặc bồi thường. Nếu quá hạn trên thì yêu cầu của người bảo hiểm sẽ không được chấp nhận. Quy định thời hạn để khách hàng tham gia bảo hiểm phải khẩn trương thực hiện quyền đòi bồi thường, đồng thời đảm bảo được tính thời sự, chính xác để doanh nghiệp bảo hiểm có thể điều tra xác minh và xác định thiệt hại cũng như sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Câu hỏi 54. Thời hạn quy định để DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường như thế nào để đảm bảo chia sẻ kịp thời tổn thất tổn hại cho khách hàng?

Trả lời: DNBH phải trả tiền hoặc bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người được bảo hiểm yêu cầu bồi thường. Điều 29 Luật KDBH quy định:

“Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.”

Nếu quá thời hạn quy định trên DNBH không giải quyết sẽ phải trả thêm lãi theo lãi suất ngân hàng cho số tiền chậm trả đó.

Thời hạn tối đa 15 ngày nói trên là quy định cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, khi soạn thảo hợp đồng bảo hiểm các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có quyền đề ra thời hạn ngắn hơn hoặc bằng 15 ngày.

Câu hỏi 55. Thời hiệu khách hàng mua bảo hiểm khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: Khi không tán thành cách chi trả hoặc giải quyết bồi thường của DNBH, khách hàng được bảo hiểm có thể thương lượng với DNBH để giải quyết. Nếu không giải quyết được có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài xét xử. Điều 30 Luật KDBH quy định rõ:

“Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.”Thời hiệu khởi kiện ghi trên các hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm soạn thảo sẵn tất nhiên không được nhỏ hơn 3 năm thì càng được khuyến khích. Quy định thời hiệu khiếu kiện để doanh nghiệp bảo hiểm có điều kiện khôi phục, thu thập hồ sơ tài liệu trước đó liên quan đến khiếu kiện để giải trình trước cơ quan xét xử hoặc hoà giải.

Câu hỏi 56. Khi DNBH không tồn tại do chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc lâm vào tình trạng có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm đƣợc đảm bảo như thế nào?

Trả lời: Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát và phê duyệt các trường hợp DNBH không tồn tại do chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong đó ưu tiên đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tham gia bảo hiểm rồi mới cấp phép hình thành DNBH mới (do chia tách sáp nhập hoặc hợp nhất) hoặc giải thể DNBH cũ. Trường hợp DNBH lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan giám sát và quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ đứng ra giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Điều 74 Luật KDBH quy định:

“1. Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;
c) Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thoả thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.” 

Những quy định trên nhằm đảm bảo cho khách hàng giữ nguyên quyền và lợi ích theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Câu hỏi 57. Điều kiện và thủ tục chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được quy định như thế nào để đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm?

Trả lời: Việc chuyển giao HĐBH từ DNBH này sang DNBH khác phải tuân thủ theo các điều kiện và thủ tục được Luật KDBH cho phép. Điều 75 Luật KDBH quy định về điều kiện chuyển giao HĐBH như sau:

“Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo các điều kiện sau đây:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao;
2. Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm;
3. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến toàn bộ hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.” 

Điều 76 Luật KDBH quy định về thủ tục chuyển giao HĐBH như sau:“Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo thủ tục sau đây:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có đơn đề nghị chuyển giao hợp đồng bảo hiểm gửi Bộ Tài chính nêu rõ lý do, kế hoạch chuyển giao, kèm theo hợp đồng chuyển giao. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ được tiến hành sau khi đã được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản;
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải công bố về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản.”

Quy định nội dung và điều kiện chuyển giao hợp đồng bảo hiểm nhằm luôn đảm bảo quyền và lợi ích khách hàng mua bảo hiểm ngay cả trong tình huống xấu nhất xảy ra.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

close nav
Tất cả danh mục