logo Học viện hậu cần ngành Bảo hiểm thuộc Bigfamily

Cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ, chương II_ 1: Kiến thức cơ bản về Bảo hiểm Nhân thọ

Viết đánh giá
Insurtech:
Liên hệ

BigFamily xin được trích dẫn cuốn cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ theo từng phần để giúp Anh chị tư vấn viên bảo hiểm dễ dàng chia nhỏ thời gian nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của mình.

Anh chị hãy cố gắng lên nhé, khi năng lực của Anh chị nâng tầm không chỉ Anh chị ngày càng được khách hàng tin yêu mà còn đóng góp vào việc đưa nghề tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam về đúng vị trí quan trọng trong lòng khách hàng.

Dự án Trung tâm đào tạo Bảo hiểm Việt Nam (TTĐTBHVN) của Bộ Tài chính có một phần nâng cao năng lực hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) trong đó có tuyên truyền bảo hiểm tới công chúng. HHBHVN chọn hình thức tuyên truyền là xây dựng 02 cuốn Cẩm nang bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ giành cho khách hàng và đã được Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Dự án chấp thuận.

Cuốn Cẩm nang bảo hiểm nhân thọ dành cho khách hàng do Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký HHBHVN và Tiến sỹ Phí Trọng Thảo – Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt làm đồng chủ biên. Tập thể tác giả bao gồm các chuyên gia bảo hiểm của HHBHVN và bộ môn bảo hiểm Học viện Tài chính biên soạn.

Cẩm nang bao gồm các câu hỏi và câu trả lời xuyên suốt từ Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm, giới thiệu về bảo hiểm nhân thọ, giới thiệu một số loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, giới thiệu thị trường bảo hiểm Việt Nam và các DNBH nhân thọ.

Sau khi biên soạn xong, dự thảo Cẩm nang được gửi đi lấy ý kiến góp ý các DNBH, tổ chức Hội nghị tư vấn xin ý kiến góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, tập thể tác giả đã chỉnh lý bổ sung cho Dự thảo Cẩm nang này.

Ngày 06/8/2007 Dự án TTĐTBHVN tổ chức nghiệm thu cuốn Cẩm nang và kết quả đánh giá Cẩm nang đạt loại xuất sắc.

Cẩm nang Bảo hiểm nhân thọ đáp ứng được phần nào nhu cầu của khách hàng đã đang hoặc sẽ mua bảo hiểm trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, lựa chọn DNBH, giải quyết những thắc mắc, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Cẩm nang còn là tài liệu hữu ích cho các cán bộ bảo hiểm tại các chi nhánh, công ty thành viên trong quá trình công tác và nâng cao trình độ kiến thức về chuyên môn của mình.

----------------------

CHƯƠNG 2: GIỚI THIỆU VỀ BẢO HIỂM NHÂN THỌ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Câu hỏi 94. Bảo hiểm nhân thọ ra đời từ bao giờ?

Trả lời: Ở nước Anh, năm 1583, một thuyền trưởng nảy ra ý kiến yêu cầu công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang bảo hiểm cho con tàu và hàng hoá của ông hãy bán thêm hợp đồng bảo hiểm cho sinh mạng của mình. Sự kiện này khiến các công ty bảo hiểm 
phi nhân thọ thấy rằng: “Con người cũng có thể được bảo hiểm như tàu bè và hàng hoá”. Các văn phòng bán bảo hiểm lần lượt ra đời.

Năm 1762, công ty bảo hiểm nhân thọ Equitable là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên ở nước Anh áp dụng phương pháp tính phí bảo hiểm dựa trên yếu tổ tỷ lệ tử vong.

Tại Việt Nam, năm 1996, Bảo Việt chính thức phát hành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước.

Câu hỏi 95. Bảo hiểm nhân thọ ra đời vì lý do gì? 

Trả lời: Bảo hiểm nhân thọ ra đời xuất phát từ nhu cầu trong cuộc sống của con người. Nhu cầu trong cuộc sống của bất kỳ một người bình thường nào trước hết là đảm bảo cho cuộc sống của chính họ, khi còn trẻ cũng như khi đã về già. Trong quá trình sống, những đòi hỏi khác nhau về các nhu cầu vật chất, tinh thần của mỗi con người chỉ có thể được thỏa mãn nếu có một nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho các nhu cầu đó.

Không chỉ sống cho chính bản thân, trong một chừng mực nhất định, mỗi con người còn có thể phải lo toan cho những bổn phận của họ với con cháu, cha mẹ, vợ chồng…Theo quy luật của cuộc sống thì con người ta sinh ra, lớn lên và chết đi là một điều tất yếu. Như vậy, cái chết là một phần của cuộc đời đối với bất kỳ ai sống trên trái đất. Tuy nhiên, nếu cái chết là tất yếu đối với mỗi con người thì thời điểm xảy ra cái chết lại hoàn toàn không thể xác định trước. Chính vì lẽ đó mà nếu một người không may chết đi khi chưa làm tròn bổn phận của mình, chí ít là đối với người thân, thì cái chết của họ sẽ là gánh nặng cho chính gia đình họ. Trong trường hợp này, bất kỳ một người bình thường nào cũng mong muốn có một nguồn tài chính để đảm bảo thực hiện những bổn phận của mình với người còn sống: nuôi con ăn học, nuôi bố mẹ già, có tiền cho con vào học đại học hoặc trường nghề, dựng vợ gả chồng cho con, cho con một căn hộ, trả nợ các khoản đang vay khi đến hạn... Tất cả nhu cầu đó khi người ta đang sống thấy cần tham gia bảo hiểm nhân thọ nhằm có nguồn tài chính cần thiết thực hiện công việc nói trên trong tương lai kể cả khi mình đang sống cũng như chẳng may qua đời bất kỳ lúc nào.

Bảo hiểm nhân thọ ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc thực hiện và giải quyết các nhu cầu tài chính liên quan đến con người trong trường hợp người được bảo hiểm gặp phải rủi ro tử vong, thương tật vĩnh viễn, mất sức lao động… hoặc đơn thuần chỉ là nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người được bảo hiểm và gia đình họ.

Câu hỏi 96. Bảo hiểm nhân thọ là gì? 

Trả lời: Bảo hiểm nhân thọ có thể được hiểu trên 2 phương diện: kỹ thuật và pháp lý. Trên phương diện kỹ thuật, bảo hiểm nhân thọ là loại bảo hiểm bao hàm những cam kết mà sự thực hiện những cam kết đó phụ thuộc vào tuổi thọ của con người. Có hai loại cam kết chủ yếu trong bảo hiểm nhân thọ, đó là cam kết đóng phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc trả trợ cấp định kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm.

Do thời hạn hợp đồng bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ kéo dài nhiều năm nên người tham gia bảo hiểm thường cam kết đóng phí làm nhiều lần. Thông thường, nếu người tham gia bảo hiểm bị chết trước khi hoàn thành nghĩa vụ đóng phí cho cả hợp đồng thì cam kết đóng phí những lần còn lại sẽ chấm dứt, nghĩa là không có ai trong phía bên mua bảo hiểm phải đóng thay họ.

Khi người được bảo hiểm bị chết hoặc còn sống đến một thời điểm nhất định đã chỉ rõ trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện cam kết của mình, trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng một khoản tiền nhất định hoặc những khoản trợ cấp. Trên phương diện pháp lý, bảo hiểm nhân thọ bao gồm các hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, theo đó, để nhận được phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cam kết sẽ trả cho một hoặc nhiều người thụ hưởng bảo hiểm một khoản tiền nhất định hoặc những khoản trợ cấp định kì trong trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời điểm nhất định hoặc tử vong trước một thời điểm nhất định đã được ghi rõ trên hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, theo Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ 01/04/2001 thì “Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”.

Câu hỏi 97. Bảo hiểm nhân thọ đảm bảo cho những sự kiện nào?

Trả lời: Bảo hiểm nhân thọ đảm bảo cho các sự kiện chính sau:

- Sống đến một độ tuổi nhất định (hết hạn hợp đồng hoặc đến độ tuổi được nhận số tiền bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm);
- Chết trong thời hạn bảo hiểm; - Thương tật xảy ra trong thời hạn bảo hiểm (bao gồm thương tật toàn bộ vĩnh viễn và thương tật bộ phận vĩnh viễn); - Ốm đau, nằm viện, phẫu thuật, ….

Câu hỏi 98. Bảo hiểm nhân thọ mang lại lợi ích gì cho mỗi cá nhân, gia đình? 

Trả lời: Giống như các loại hình bảo hiểm khác, bảo hiểm nhân thọ ra đời nhằm khắc phục những khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro. Khi một người trụ cột trong gia đình bị tai nạn dẫn đến thương tật hoặc chết, bản thân người đó hoặc những người sống phụ thuộc sẽ rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính. Hơn lúc nào hết, họ sẽ cần đến nguồn tài chính kịp thời để bù đắp thiệt hại, lấy lại sự cân bằng, ổn định tình hình tài chính để duy trì cuộc sống bình thường và đảm bảo một công việc được tiến hành đúng như kế hoạch trong tương lai mà người quá cố đã hoạch định (cho con học đại học, cưới vợ gả chồng cho con, trả nợ khoản vay...). Bảo hiểm nhân thọ ra đời đã đáp ứng nhu cầu đó một cách tốt nhất kể cả khi người quá cố không phải tiếp tục đóng phí bảo hiểm nhưng quyền lợi bảo hiểm không thay đổi.

Hơn nữa, vượt lên cả ý nghĩa “tiền bạc”, bảo hiểm nhân thọ mang đến trạng thái an toàn về tinh thần, giảm bớt sự lo âu trước rủi ro, bất trắc cho người được bảo hiểm.

Bảo hiểm nhân thọ tư vấn giúp khách hàng hoạch định kế hoạch tương lai, xây dựng kế hoạch tài chính để thực hiện công việc đó, có ý thức tích lũy tiết kiệm cho tương lai, như để dành tiền cho con đi học, cho con một số vốn để vào đời, hoặc có thể tiết kiệm tiền để mua xe, mua nhà, vui hưởng cuộc sống sau khi về hưu…

Câu hỏi 99. Bảo hiểm nhân thọ mang lại lợi ích gì cho xã hội? 

Trả lời: Sự ra đời của bảo hiểm nhân thọ tạo điều kiện cho các tổ chức bảo hiểm nhân thọ thường xuyên thực hiện việc nghiên cứu rủi ro, thống kê tổn thất, tìm kiếm các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tổn thất. Ngoài ra, bảo hiểm nhân thọ còn mang lại những lợi ích khác như: 

- Tạo sự ổn định xã hội thông qua việc giảm thiểu sự lo lắng cho bên mua bảo hiểm;
- Huy động vốn để đầu tư cho những dự án trung và dài hạn nhằm góp phần phát triển đất nước;
- Giảm gánh nặng ngân sách quốc gia trong việc chăm lo người già, và những người phụ thuộc khi người trụ cột trong gia đình qua đời;
- Tạo công ăn việc làm cho nhiều người;

Câu hỏi 100. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối thể hiện trong bảo hiểm nhân thọ như thế nào? 

Trả lời: Theo quy định của Luật KDBH, khi tham gia bảo hiểm, người tham gia có bổn phận khai báo trung thực, đầy đủ và chính xác tất cả các yếu tố quan trọng có liên quan, dù được yêu cầu hay không được yêu cầu khai báo. Yếu tố quan trọng cần phải khai báo trong bảo hiểm nhân thọ: tiền sử bệnh tật của người được bảo hiểm, hồ sơ sức khoẻ của người trong gia đình...

Thời gian khai báo: Thông thường, Người yêu cầu bảo hiểm phải khai báo các yếu tố quan trọng khi có yêu cầu bảo hiểm. Việc khai báo phải hoàn thành trước khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết. Ngược lại, các công ty bảo hiểm đều phải công khai những thông tin liên quan đến phạm vi hoạt động, điều khoản và khả năng tài chính của đơn vị mình.

Theo Luật KDBH, khi người được bảo hiểm cố tình không khai báo đầy đủ các yếu tố quan trọng thì được coi là vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối và hợp đồng bảo hiểm có thể bị huỷ bỏ một phần (giảm bớt quyền lợi bảo hiểm) hoặc toàn bộ (chấm dứt hiệu lực).

Câu hỏi 101. Nguyên tắc Quyền lợi có thể được bảo hiểm thể hiện trong bảo hiểm nhân thọ như thế nào?

Trả lời: Luật KDBH quy định:

Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm (Điều 3)

Quyền lợi có thể được bảo hiểm tồn tại đối với những người có quan hệ vợ/chồng, cha-mẹ/con của người được bảo hiểm. 

Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng có thể tồn tại trong quan hệ vay nợ. Khi đó, bên cho vay có quyền lợi có thể bảo hiểm đối với cuộc sống của bên đi vay.

Trong các quan hệ khác như quan hệ chủ công ty - người lao động... thì Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng có thể tồn tại hay không là tuỳ thuộc vào quy định cụ thể của luật pháp và của từng loại bảo hiểm. 

Tóm lại, hiểu một cách đơn giản, Quyền lợi có thể được bảo hiểm quy định quyền một người tham gia bảo hiểm có thể được phép tham gia bảo hiểm cho bản thân mình hoặc người khác, đặc biệt là khi mua bảo hiểm cho người khác thì giữa hai người phải có mối quan hệ nhất định quy định. Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng quy định về quyền được hưởng quyền lợi bảo hiểm, nghĩa là, để được hưởng quyền lợi bảo hiểm, người thụ hưởng phải có một mối quan hệ nhất định với người tham gia bảo hiểm và người được bảo hiểm.Theo Luật KDBH, chỉ bảo hiểm cho quyền lợi có thể được bảo hiểm, nếu người tham gia bảo hiểm cho một quyền lợi bảo hiểm không thuộc quyền lợi có thể được bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm đương nhiên vô hiệu.

Câu hỏi 102. Nguyên tắc khoán thể hiện như thế nào trong bảo hiểm nhân thọ?

Trả lời: Đối tượng được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ là con người, mà giá trị của con người thì không thể xác định được bằng tiền. Khi tham gia bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và công ty bảo hiểm thỏa thuận ấn định trước số tiền bảo hiểm vì trong bảo hiểm nhân thọ không có bản chất thiệt hại tính được bằng tiền từ rủi ro xảy ra đối với con người. Số tiền bảo hiểm lớn hay bé tùy thuộc vào rủi ro mất khả năng tài chính do hậu quả người quá cố không còn khả năng thực hiện những công việc 
thuộc nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, số tiền bảo hiểm còn phụ thuộc vào khả năng đóng phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm.

Chính vì vậy, việc ấn định trước khoản tiền mà công ty bảo hiểm có trách nhiệm chi trả cho bên mua bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra được gọi là nguyên tắc khoán.

Câu hỏi 103. Trong trƣờng hợp một người được bảo hiểm bởi nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau, khi xảy ra rủi ro đƣợc bảo hiểm trong các hợp đồng đó thì có được hưởng quyền lợi theo tất cả các hợp đồng mà người đó được bảo hiểm hay không?

Trả lời: Tuân thủ nguyên tắc khoán trong bảo hiểm nhân thọ, giá trị thiệt hại tính mạng, sức khỏe của con người là không thể xác định được bằng tiền nên nếu người được bảo hiểm được bảo hiểm bởi nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau, khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm trên, thì người đó có quyền được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo tất cả các hợp đồng.

Câu hỏi 104. Ngƣời được bảo hiểm bị rủi ro do bên thứ ba gây ra thì có được hưởng quyền lợi bảo hiểm và số tiền chi trả của bên gây ra rủi ro không?

Trả lời: Tuân thủ nguyên tắc khoán, trong trường hợp này, người được bảo hiểm có thể đồng thời nhận số tiền chi trả của Người bảo hiểm và số tiền chi trả của bên gây ra thiệt hại đến sức khoẻ của mình. 

Câu hỏi 105. Phí bảo hiểm được tính toán trên nguyên tắc nào?

Trả lời: Để tính phí bảo hiểm nhân thọ, người ta phải dựa vào các giả định. Một trong các giả định có tính nguyên tắc là: Công ty bảo hiểm nhân thọ thu hút được số lớn người mua bảo hiểm. Nếu tập hợp được đủ lớn số lượng người mua bảo hiểm thì quy luật số lớn là đúng và những dự tính của công ty bảo hiểm về số sống, số tử vong của người được bảo hiểm là chính xác. Trong trường hợp như vậy, công ty bảo hiểm sẽ cân bằng được số thu và số phải thanh toán. Đây gọi là: nguyên lý cân bằng.

Các giả định tính phí bao gồm:
- Tỷ lệ tử vong 
- Lãi suất kỹ thuật
- Chi phí hoạt động

Câu hỏi 106. Tỷ lệ tử vong là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến việc tính toán phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm?

Trả lời: Tỷ lệ tử vong (tỷ lệ chết) là tỷ lệ giữa số người chết trong một khoảng thời gian nhất định và tổng số người sống lúc khởi đầu thời gian đó. Ngược lại, tỷ lệ sinh tồn (tỷ lệ sống) là tỷ lệ giữa số người còn sống sau một khoảng thời gian nhất định và 
tổng số người sống lúc khởi đầu thời gian đó.

Thông thường, khoảng thời gian được dùng để tính tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh tồn là 01 năm. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh tồn được xác định theo giới tính và độ tuổi. Tỷ lệ tử vong theo từng độ tuổi có thể xác định được bằng cách điều tra số lượng các thành viên và số tử vong tương ứng của một tập hợp người nào đó trong một thời kỳ nhất định. Sau khi xác định được tỷ lệ tử vong theo các độ tuổi, người ta có thể lập một bảng thể hiện sự thay đổi về số sống và số tử vong theo các độ tuổi từ thấp đến cao. Trong đa số các trường hợp, độ tuổi đầu tiên được đưa vào bảng là 0 tuổi và độ tuổi cuối cùng trong bảng là độ tuổi mà không ai còn sống. Một bảng như vậy gọi là bảng tỷ lệ tử vong.

Có hai loại bảng tỷ lệ tử vong: bảng tỷ lệ tử vong dân số và bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm.Bảng tỷ lệ tử vong dân số được lập trên cơ sở số liệu thống kê thu thập được từ các cuộc điều tra dân số. Bảng này cho biết mức tử vong của dân số của một nước 
hoặc một vùng cụ thể nào đó.Bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm được lập trên cơ sở số liệu thống kê của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bảng này cho biết tình hình tử vong thực tế của những người được bảo hiểm tại các công ty bảo hiểm nhân thọ. Bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm được sử dụng để tính phí và dự phòng trong bảo hiểm nhân thọ. 

Bảng tỷ lệ tử vong có đặc điểm chung:
- Tỷ lệ tử vong tăng dần theo độ tuổi (bắt đầu từ một độ tuổi nhất định);
- Tỷ lệ tử vong của nam giới cao hơn tỷ lệ tử vong của nữ giới.

Hiện nay, Bộ Tài chính là người ban hành Bảng tỷ lệ tử vong để các DNBH áp dụng.

Câu hỏi 107. Lãi suất kỹ thuật là gì, nó ảnh hưởng như thế nào đến việc tính phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ?

Trả lời: Lãi suất được sử dụng để tính phí bảo hiểm nhân thọ được gọi là lãi suất kỹ thuật. Mức lãi suất này do các công ty bảo hiểm nhân thọ tính toán dựa trên mức lãi suất hiện tại trên thị trường của các danh mục đầu tư mà các công ty bảo hiểm sẽ sử 
dụng phí bảo hiểm để đầu tư vào các lĩnh vực đó. Lãi suất này khi tính phí bảo hiểm được tính theo phương pháp lãi gộp (kép). Việc sử dụng lãi suất kỹ thuật trong bảo hiểm nhân thọ được quy định cụ thể trong Luật KDBH và các DNBH phải trình bày phương pháp tính lãi suất kỹ thuật khi giải trình với Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm bảo hiểm mới.

Câu hỏi 108. Chi phí hoạt động là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến việc tính phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ?

Trả lời: Chi phí hoạt động là các chi phí mà công ty bảo hiểm nhân thọ phải trang trải trong quá trình hoạt động bao gồm : - Chi phí khai thác bảo hiểm: chủ yếu chi trả cho hoa hồng đại lý và kiểm tra y tế người tham gia bảo hiểm. - Chi phí thu phí trả cho người thu phí hoặc chi phí chuyển khoản phát sinh khi thu phí (nếu có).

- Chi phí quản lý hợp đồng là chi phí phát sinh trong suốt thời hạn bảo hiểm để quản lý hợp đồng. Chi phí quản lý hợp đồng bao gồm:
+ Chi phí quản lý hợp đồng trong thời hạn đóng phí;
+ Chi phí quản lý hợp đồng sau thời hạn đóng phí (nếu có); - Chi phí nghiên cưu phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Câu hỏi 109. Dự phòng trong bảo hiểm nhân thọ đƣợc hiểu nhƣ thế nào? có những loại dự phòng nào?

Trả lời: Trong bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm là con nợ của những người được bảo hiểm tại mọi thời điểm trước khi kết thúc hợp đồng. Do đó, công ty bảo hiểm bắt buộc phải lập ra 1 quỹ dự trữ để đảm bảo cho việc thực hiện các cam kết của mình. Quỹ dự trữ này còn được gọi là quỹ dự phòng bảo hiểm . Có thể thấy được tính cần thiết của việc lập dự phòng bảo hiểm qua những phân tích sau:

+ Trong bảo hiểm tử vong: Rủi ro tăng lên theo độ tuổi, nhưng vì lý do thương mại, công ty bảo hiểm thu phí bình quân (bằng nhau giữa các lần đóng phí). Rõ ràng là trong những năm đầu của hợp đồng thì phí bình quân cao hơn phí tự nhiên tạo ra một số dư nhất định nhưng những năm cuối của hợp đồng thì ngược lại. Vì vậy, số dư trong những năm đầu của hợp đồng không được coi là lãi của doanh nghiệp bảo hiểm mà phải được doanh nghiệp sử dụng với mục đích tích lũy để bù đắp cho những thiếu hụt của nửa sau của hợp đồng.
+ Trong bảo hiểm cho trường hợp sống: công ty bảo hiểm phải đưa phần phí thuần (phí được tính chỉ dựa trên 2 giả định là tỷ lệ tử vong và lãi suất kỹ thuật) vào dự trữ để có thể thực hiện các cam kết của mình vào thời điểm đáo hạn hợp đồng.

Quỹ được thành lập bằng cách tích lũy phần phí thặng dư nhằm sử dụng trong tương lai được gọi là dự phòng phí bảo hiểm.

Trong bảo hiểm nhân thọ, có rất nhiều các quỹ dự phòng phải lập ra:

- Dự phòng toán học;

- Dự phòng rủi ro;

- Dự phòng tổn thất phải trả;

- Dự phòng rủi ro tăng lên;

- Dự phòng cam kết chia lãi;

- Dự phòng giảm giá tài sản hiện có.

Trong đó, dự phòng toán học là cơ bản và quan trọng nhất. Nó gắn liền với việc tính toán phí bảo hiểm và thực hiện cam kết của công ty bảo hiểm. Trong Luật KDBH có quy định chặt chẽ về phương pháp trích lập dự phòng các quỹ nói trên.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

close nav
Tất cả danh mục