logo Học viện hậu cần ngành Bảo hiểm thuộc Bigfamily

Công ty bảo hiểm phá sản thì sao?

Viết đánh giá
Insurtech:
Liên hệ

Bảo hiểm là dịch vụ vô hình, chính vì vậy để ký được hợp đồng bảo hiểm cho dù là trên online hay dưới offline thì kỹ năng tư vấn luôn là yếu tố quyết định.

Bigfamily đã biên tập các thông tin được tặng từ hàng ngàn tư vấn viên đang hợp tác cùng chúng tôi về kỹ năng xử lý tình huống trong tư vấn bảo hiểm (online, offline) để Anh chị tư vấn mới dễ dàng tìm hiểu và nâng cao nghiệp vụ của mình.

Khi Anh chị đủ chuyên nghiệp, khách hàng sẽ tự tìm đến Anh chị và ngược lại

Trên thực tế thì mô hình kinh doanh của các công ty bảo hiểm là mô hình cho đến hiện tại được xem là bền vững nhất trên thế giới. Bền vững hơn cả các định chế tài chính và các ngân hàng. Ngành bảo hiểm đã hình thành và phát triển hơn 400 năm nay, đã trả qua rất nhiều khủng hoảng của thị trường tài chính từ hàng thập kỷ trước cho đến đại dịch Covid19 lần này. Nhưng các tập đoàn bảo hiểm vẫn luôn trụ vững để phục vụ cho hàng triệu khách hàng đã tham gia bảo hiểm trên toàn cầu và chưa bao giờ dừng lại. Công ty bảo hiểm đã tính toán rất kỹ để vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận để công ty phát triển. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng và được đầu tư với số vốn lớn, chính vì thế khả năng công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản là rất ít.

Có rất nhiều người đang băn khoăn về vấn đề công ty bảo hiểm phá sản thì người mua bảo hiểm có bị mất tiền không? Pháp luật nước ta có những quy định rõ ràng về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Bảo hiểm nhân thọ là một hình thức kinh doanh nhằm quản lý những rủi ro về tài chính cho người tham gia bảo hiểm thông qua việc các cá nhân, tổ chức đóng bảo hiểm định kỳ cho các công ty bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ dựa trên các điều khoản đã ký kết để chi trả quyền lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong suốt thời hạn hợp đồng. Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm thường khá dài từ 10 năm, 20 năm… trọn đời. Đây có khoảng thời gian khá dài cho nên nhiều người có tâm lý lo ngại khi công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản thì quyền lợi của họ có còn được đảm bảo không?

Căn cứ Điều Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

“Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, sau khi áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán thì việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.”

Như vậy doanh nghiệp bảo hiểm phá sản khi:

  • Không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn
  • Sau khi áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán

Có thể thấy, công ty bảo hiểm cũng giống như các mô hình công ty khác hay mô hình tổ chức tín dụng như các ngân hàng, đều là hình thức kinh doanh nên đều có khả năng bị phá sản khi gặp rủi ro trong quá trình kinh doanh và rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên khả năng phá sản của các công ty bảo hiểm nhân thọ rất thấp bởi trước khi cấp giấy phép hoạt động, các công ty bảo hiểm phải đáp ứng về tiềm lực tài chính theo quy định của Pháp luật như vốn điều lệ, vốn pháp định. Và đặc biệt, trong khi hoạt động phải tuân thủ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam về đảm bảo khả năng thanh toán: 

+ Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

+ Doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 96 của Luật này và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

+ Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong đó, Quy định về dự phòng nghiệp vụ và biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm được thể hiện tại điều 96 và 64 trong Luật như sau: Khoản 2 Điều 64 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định biên khả năng thanh toán tối thiểu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

Trích Khoản 2. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe:

a) Đối với hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị, bằng 1,5% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;

b) Đối với hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và hợp đồng bảo hiểm hưu trí, bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;

c) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe:

- Có thời hạn 05 năm trở xuống: Bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,1% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;

- Có thời hạn trên 05 năm: Bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro.

Trích Điều 96 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về Dự phòng nghiệp vụ:

1. Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

2. Dự phòng nghiệp vụ phải được trích lập riêng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm và phải tương ứng với phần trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Bộ Tài chính quy định cụ thể về mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với từng nghiệp vụ bảo hiểm.

Thông qua các văn bản Pháp luật, Bộ tài chính đã có những quy định rõ ràng về trích lập dự phòng và biên khả năng thanh toán để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm đã cam kết với người tham gia.

Nếu doanh nghiệp bảo hiểm rơi vào trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán phải báo cáo ngay cho Bộ Tài chính về thực trạng tài, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục kịp thời. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận, Bộ Tài chính ra quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Khoản 2, Điều 80, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, Ban kiểm soát khả năng thanh toán có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

“a) Chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận;

b) Thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan về việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán để phối hợp thực hiện;

c) Hạn chế phạm vi và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm;

d) Đình chỉ những hoạt động có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán;

đ) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác;

e) Tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thay thế thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;

g) Yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án khôi phục khả năng thanh toán đã được chấp thuận;

h) Kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục hoặc chấm dứt các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;

i) Báo cáo Bộ Tài chính về việc áp dụng và kết quả của việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.”

Tóm lại, trường hợp công ty bảo hiểm nhân thọ bị phá sản có thể xảy ra nhưng xác suất thấp vì khi doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Bộ tài chính sẽ có phương án chỉ đạo doanh nghiệp lập phương án khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục kịp thời.

Tuy nhiên, nếu áp dụng tất cả các biện pháp trên mà vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán thì việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp này, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được xử lý ra sao?

Nhà nước luôn có những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu những tổn thất có thể xảy ra nếu chẳng may doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị phá sản. Những biện pháp sẽ được áp dụng trong trường hợp xấu đó như sau: Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm sang doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Căn cứ Điều 74, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 có quy định như sau:

Trích “Điều 74. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

1. Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;

c) Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thoả thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.”

Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm giải thể, phá sản, thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển giao toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với khách hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm khác theo thỏa thuận hay theo quy định.

Quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo đầy đủ sau khi được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 của Luật này:

“2. Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm”

Vì vậy, khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ yên tâm là sẽ không bị mất tiền, mà hợp đồng vẫn tiếp tục có hiệu lực và các quyền lợi vẫn được bảo toàn.

Được quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chi trả:

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là quỹ được thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản. Quỹ được hình thành dựa trên cơ sở đóng góp hàng năm của các doanh nghiệp bảo hiểm tính theo tỷ lệ (%) doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm gốc.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 106, Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:

Điều 106. Nội dung chi của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

“1. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được chi cho các nội dung sau:

a) Trả tiền bảo hiểm, trả giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm hoặc hoàn phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán tại thời điểm Bộ Tài chính có quyết định về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán) hoặc tại thời điểm Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản (đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản)”.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, quyền lợi bảo hiểm của khách hàng sẽ được Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chi trả. Hạn mức chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng theo quy định tại Điều 107, Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

Như vậy, các khách hàng đã, đang và sẽ mua bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể hoàn toàn yên tâm về những quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

close nav
Tất cả danh mục