logo Học viện hậu cần ngành Bảo hiểm thuộc Bigfamily

Luật kinh doanh bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm

Viết đánh giá
Insurtech:
Liên hệ

Bảo hiểm là giải pháp đa tiện ích và có nhiều ràng buộc pháp lý. Tư vấn viên bảo hiểm vừa  phải đóng vai trò là cố vấn tài chính vừa phải đóng vai trò là cố vấn pháp lý khi đi tư vấn cho khách hàng.

Anh chị tư vấn viên hãy cố gắng lên nhé, trau dồi sự am hiểu về pháp lý sẽ hơi vất vả nhưng bù lại Anh chị không chỉ mang đến giá trị cho bản thân và khách hàng mà còn tạo ra ấn tượng tích cực làm thay đổi cách nhìn của khách hàng về ngành bảo hiểm đấy ạ.

Xin chào Anh chị, Bigfamily xin được cung cấp các thông tin về Luật kinh doanh bảo hiểm theo từng phần để Anh chị tư vấn viên dễ dàng nắm bắt và vận dụng cho công việc tư vấn của mình. Nguồn trích dẫn của Bigfamily đảm bảo từ văn bản quy phạm pháp luật tại cổng thông tin điện tử của chính phủ (Xem tại đây) nên Anh chị tư vấn viên hoàn toàn yên tâm để tra cứu nhé. Mỗi Anh chị khi đi tư vấn khách hàng đều là một luật sư. Anh chị vừa cung cấp giải pháp gia tăng tài sản cho khách hàng vừa đảm bảo rằng giải pháp đó tuân thủ đúng pháp lý để lúc cần thiết khách hàng của chúng ta sẽ được bảo vệ.

Am hiểu pháp luật khi đi tư vấn bảo hiểm là cách thức để Anh chị tư vấn bảo vệ chính mình và khách hàng của mình. Chúng tôi hy vọng rằng Anh chị sẽ là những chuyên gia tư vấn hàng đầu được khách hàng tin yêu và tôn trọng.

Kính chúc Anh chị thành công.

----------------------------------------

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm; góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Luật số 24/2000/QH10 của Quốc hội : Kinh doanh Bảo hiểm

-----------------------------------------

CHƯƠNG III: DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

MỤC 1: CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 58. Thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 59. Các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm

Các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước;

2. Công ty cổ phần bảo hiểm;

3. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

4. Doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh;

5. Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 60. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:

A) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm;

B) Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;

C) Giám định tổn thất;

D) Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

Đ) Quản lý quỹ và đầu tư vốn;

E) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ.

Điều 61. Nội dung kinh doanh tái bảo hiểm

Kinh doanh tái bảo hiểm bao gồm:

1. Chuyển một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác;

2. Nhận bảo hiểm lại một phần hay toàn bộ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm.

Điều 62. Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động

1. Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính của Việt Nam.

Điều 63. Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

1. Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;

2. Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 64 của Luật này;

3. Có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

4. Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm.

Điều 64. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

1. Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

2. Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;

3. Phương án hoạt động năm năm đầu, trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích kinh tế của việc thành lập doanh nghiệp;

4. Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành doanh nghiệp;

5. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên; tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đó;

6. Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành.

Điều 65. Thời hạn cấp giấy phép

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.

Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 66. Lệ phí cấp giấy phép

Doanh nghiệp bảo hiểm được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Điều 67. Công bố nội dung hoạt động

Sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố nội dung hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 68. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

A) Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin cố ý làm sai sự thật;

B) Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động mà không bắt đầu hoạt động;

C) Giải thể theo quy định tại Điều 82 của Luật này;

D) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;

Đ) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động;

E) Không bảo đảm các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết với bên mua bảo hiểm.

2. Trong trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải đình chỉ ngay việc giao kết hợp đồng bảo hiểm mới, nhưng vẫn có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm và phải thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.

Trong trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 69. Những thay đổi phải được chấp thuận

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:

A) Tên doanh nghiệp;

B) Vốn điều lệ;

C) Mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

D) Địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;

Đ) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

E) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên;

G) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc);

H) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố các nội dung thay đổi đã được chấp thuận theo quy định của pháp luật.

MỤC 2: TỔ CHỨC BẢO HIỂM TƯƠNG HỖ

Điều 70. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.

Điều 71. Thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ

1. Tổ chức, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề, có nhu cầu bảo hiểm đều có quyền tham gia thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ với tư cách là thành viên sáng lập.

2. Chỉ các tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức bảo hiểm tương hỗ mới có thể trở thành thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Điều 72. Giới hạn trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Tổ chức bảo hiểm tương hỗ chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức trong phạm vi tài sản của tổ chức.

Điều 73. Thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ do Chính phủ quy định.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

close nav
Tất cả danh mục