logo Học viện hậu cần ngành Bảo hiểm thuộc Bigfamily

Luật kinh doanh bảo hiểm: những quy định chung

Viết đánh giá
Insurtech:
Liên hệ

Bảo hiểm là giải pháp đa tiện ích và có nhiều ràng buộc pháp lý. Tư vấn viên bảo hiểm vừa  phải đóng vai trò là cố vấn tài chính vừa phải đóng vai trò là cố vấn pháp lý khi đi tư vấn cho khách hàng.

Anh chị tư vấn viên hãy cố gắng lên nhé, trau dồi sự am hiểu về pháp lý sẽ hơi vất vả nhưng bù lại Anh chị không chỉ mang đến giá trị cho bản thân và khách hàng mà còn tạo ra ấn tượng tích cực làm thay đổi cách nhìn của khách hàng về ngành bảo hiểm đấy ạ.

Xin chào Anh chị, Bigfamily xin được cung cấp các thông tin về Luật kinh doanh bảo hiểm theo từng phần để Anh chị tư vấn viên dễ dàng nắm bắt và vận dụng cho công việc tư vấn của mình. Nguồn trích dẫn của Bigfamily đảm bảo từ văn bản quy phạm pháp luật tại cổng thông tin điện tử của chính phủ (Xem tại đây) nên Anh chị tư vấn viên hoàn toàn yên tâm để tra cứu nhé. Mỗi Anh chị khi đi tư vấn khách hàng đều là một luật sư. Anh chị vừa cung cấp giải pháp gia tăng tài sản cho khách hàng vừa đảm bảo rằng giải pháp đó tuân thủ đúng pháp lý để lúc cần thiết khách hàng của chúng ta sẽ được bảo vệ.

Am hiểu pháp luật khi đi tư vấn bảo hiểm là cách thức để Anh chị tư vấn bảo vệ chính mình và khách hàng của mình. Chúng tôi hy vọng rằng Anh chị sẽ là những chuyên gia tư vấn hàng đầu được khách hàng tin yêu và tôn trọng.

Kính chúc Anh chị thành công.

----------------------------------------

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm; góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Luật số 24/2000/QH10 của Quốc hội : Kinh doanh Bảo hiểm

-----------------------------------------

Chương 1. Những Quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này điều chỉnh tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Điều 2. Áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế

1. Tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

3. Các bên tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm là hoạt động giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo uỷ quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

4. Hoạt động môi giới bảo hiểm là việc cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và các công việc liên quan đến việc đàm phán, thu xếp và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

5. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm.

6. Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

7. Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.

8. Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.

9. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.

10. Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

11. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

12. Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

13. Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

14. Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

15. Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.

16. Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó.

17. Bảo hiểm trả tiền định kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

18. Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ.

Điều 4. Bảo đảm của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm

1. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức kinh doanh bảo hiểm.

2. Nhà nước đầu tư vốn và các nguồn lực khác để doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bảo hiểm phát triển, giữ vai trò chủ đạo trên thị trường bảo hiểm.

3. Nhà nước có chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, chính sách ưu đãi đối với các nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Điều 5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Nhà nước thống nhất quản lý, có chính sách mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào Việt Nam và tái đầu tư lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tăng cường hợp tác với nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh bảo hiểm. 

Điều 6. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm.

Điều 7. Các loại nghiệp vụ bảo hiểm

1. Bảo hiểm nhân thọ bao gồm:

A) Bảo hiểm trọn đời;

B) Bảo hiểm sinh kỳ;

C) Bảo hiểm tử kỳ;

D) Bảo hiểm hỗn hợp;

Đ) Bảo hiểm trả tiền định kỳ;

E) Các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ khác do Chính phủ quy định.

2. Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm:

A) Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;

B) Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;

C) Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;

D) Bảo hiểm hàng không;

Đ) Bảo hiểm xe cơ giới;

E) Bảo hiểm cháy, nổ;

G) Bảo hiểm thân tầu và trách nhiệm dân sự của chủ tầu;

H) Bảo hiểm trách nhiệm chung;

I) Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;

K) Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;

L) Bảo hiểm nông nghiệp;

M) Các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác do Chính phủ quy định.

3. Bộ Tài chính quy định danh mục chi tiết các sản phẩm bảo hiểm. 

Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc

1. Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

A) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;

B) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;

C) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

D) Bảo hiểm cháy, nổ.

3. Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác.

Điều 9. Tái bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác, kể cả doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.

2. Trong trường hợp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm.

2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

A) Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

B) Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;

C) Khuyến mại bất hợp pháp;

D) Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác. 

Điều 11. Quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích phát triển thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của pháp luật.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)

close nav
Tất cả danh mục